top of page

Các câu hỏi thường gặp về "tái chế thủy tinh"

Updated: May 25, 2021

Bạn muốn chung tay đưa thủy tinh về nơi tái chế nhưng vẫn thắc mắc nên quyên góp như thế nào cho đúng cách? Cùng O-I BJC Vietnam giải đáp các thắc mắc về tái chế thủy tinh bạn nhé!


1) Bao bì thủy tinh có thể tái chế được không?


Nhiều người thắc mắc rằng, liệu bao bì thủy tinh có tái chế được không? Câu trả lời chính xác nhất là chúng có thể được tái chế vĩnh viễn. Cùng với các nguyên liệu thiên nhiên khác, mảnh thủy tinh được xem là nguyên liệu cần thiết trong quy trình sản xuất bao bì thủy tinh.


Tái chế thủy tinh góp phần làm giảm lượng chất thải rắn ra môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trong quá trình sản xuất thủy tinh, nếu dùng 1 tấn mảnh thủy tinh thay thế, nhà sản xuất có thể tiết kiệm hơn 600kg cát, 200kg soda, và 200kg đá vôi. Hơn thế nữa, khi tái chế 1 chai thủy tinh, chúng ta đã tiết kiệm điện trong sản xuất, lượng điện này đủ để thắp sáng 1 bóng đèn trong 4 giờ.


Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh đã có chương trình "Thu gom và tái chế thủy tinh" do công ty O-I BJC Việt Nam tổ chức và chịu trách nhiệm tái chế 100%. Để biết thêm thông tin chương trình, bạn hãy tham khảo TẠI ĐÂY nhé.


2) Có phải tất cả các loại thủy tinh đều tái chế được?


Những loại thủy tinh khác nhau có nhiệt độ nóng chảy khác nhau. Ví dụ, thủy tinh gia dụng được sản xuất để chứa thực phẩm nóng nên sẽ có nhiệt độ nóng chảy cao, trong khi bao bì thủy tinh dùng chứa thực phẩm lạnh có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn. Do đó, tùy thuộc vào nhà máy sản xuất, những loại thủy tinh phù hợp sẽ được thu gom và đưa đúng về nơi tái chế.


Trong chương trình "Thu gom và tái chế thủy tinh", O-I BJC chỉ thu gom bao bì thủy tinh để đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm sau khi tái chế. O-I BJC tuyệt đối không nhận các loại thủy tinh gia dụng như ly, chén, bóng đèn hay kính cường lực.


3) O-I BJC có thu gom bao bì thủy tinh không nguyên vẹn không?


Tất cả bao bì thực phẩm & đồ uống bằng thủy tinh đều được thu gom và tái chế không phân biệt tình trạng của bao bì. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý đóng gói thủy tinh vỡ cẩn thận để đảm bảo an toàn cho bản thân và người thu gom nhé.


Để biết các điểm thu gom cố định tại TP.Hồ Chí Minh, bạn vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY.


4) Tại sao cần tháo nắp & khoen nhôm trước khi quyên góp thủy tinh?


Khi bao bì thủy tinh được chuyển về nhà máy tái chế, sẽ qua khâu phân loại tạp chất. Tại đây, các tạp chất có từ tính sẽ được nam châm hút loại bỏ. Tuy nhiên, nhôm là kim loại không có từ tính, phải được loại bỏ bằng phương pháp thủ công. Người công nhân mất nhiều giờ để loại sạch các nắp và khoen nhôm để đảm bảo quy trình sản xuất. Việc tháo các nắp & khoen nhôm trước khi quyên góp giúp rút ngắn thời gian tái chế để cho ra 1 vòng đời mới cho các chai lọ thủy tinh.


5) Tại sao cần phân loại màu khi quyên góp thủy tinh?


Bao bì thủy tinh có nhiều màu sắc khác nhau cần được phân loại phù hợp với các công thức sản xuất khác nhau. Ví dụ, mảnh thủy tinh trắng sẽ được tái chế thành bao bì thủy tinh trắng, tương tự với các màu còn lại.

Việc phân loại màu thủy tinh tại nguồn giúp việc tái chế thủy tinh nhanh hơn và hiệu quả hơn. Khi quyên góp thủy tinh, hãy nhớ phân loại theo 2 loại màu: thủy tinh trắng và thủy tinh màu, bạn nhé!


6) O-I BJC thu gom bao bì thủy tinh để tái chế hay tái sử dụng?


Mảnh chai thủy tinh là một trong những nguyên liệu chính sản xuất ra bao bì thủy tinh. Do đó, 100% bao bì thủy tinh sau khi thu gom sẽ được tái chế tại nhà máy thủy tinh O-I BJC Việt Nam.


Sử dụng và tái chế bao bì thủy tinh góp phần bảo vệ môi trường xanh. Hy vọng những câu trả lời trên đã giải đáp các thắc mắc của bạn về chương trình "Thu gom và tái chế thủy tinh". Nếu cần thêm thông tin, bạn vui lòng liên hệ Facebook page của O-I BJC Vietnam bạn nhé!

953 views0 comments
bottom of page